“Hộ chiếu vaccine” là khái niệm đưa ra khi nhiều quốc gia tiến hành tiêm vaccine COVID - 19 cho công dân của mình nhằm chống lại đại dịch. “Hộ chiếu vaccine” chứng nhận các trường hợp công dân đã được tiêm đủ hai mũi vaccine phòng COVID-19 (được coi là “tấm lá chắn” trước sự tấn công của SARS-CoV-2), có thể di chuyển tới nước khác nếu được chấp nhận. Nhiều người kỳ vọng “hộ chiếu vaccine” là một giải pháp để Việt Nam và các nước trên thế giới sống chung với đại dịch, mở cửa trở lại nền du lịch đang bị “đóng băng” do dịch COVID - 19.
“Hộ chiếu vaccine” có thể giúp ngành du lịch sớm phục hồi
Phát biểu kết luận cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia và các địa phương vào sáng 17.3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp khi triển khai áp dụng “hộ chiếu vaccine”. Đồng thời, yêu cầu các bộ, ngành liên quan xem xét, nghiên cứu từng bước mở lại các đường bay quốc tế, chuẩn bị tốt các phương án triển khai áp dụng “hộ chiếu vaccine” và giao thương có sự kiểm soát.
Hiện nay, một số quốc gia trên thế giới đã và đang triển khai “hộ chiếu vaccine”, một dạng thẻ chứng nhận tiêm chủng hoặc chứng nhận đã miễn dịch với COVID-19. Qua đó cho phép những người đã tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 được tự do đi lại để kích cầu ngành Du lịch sau đại dịch. Đây là một cơ hội để ngành Du lịch TPHCM nói riêng và cả nước nói chung sớm phục hồi.
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TPHCM - cho biết: “Với tình hình tiêm chủng vaccine COVID-19 hiện nay trên thế giới, Sở Du lịch TPHCM nhận thấy việc đã đến lúc xem xét để mở cửa một số thị trường khách quốc tế vào Việt Nam là rất cần thiết để khởi động lại thị trường khách du lịch quốc tế và theo hình thức nào (dạng hộ chiếu vaccine hay dạng nào khác) thì cũng phải đảm bảo việc an toàn sức khỏe, các tiêu chí nghiêm phòng chống lây lan dịch bệnh đối với khách du lịch quốc tế vào Việt Nam”.
Xem thêm: Thủ tục bảo lãnh lao động nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam
Xem thêm: Xin visa, thẻ tạm trú cho lao động nước ngoài
Xem thêm: Gia hạn visa, thẻ tạm trú cho người nước ngoài
“Hiện nay, theo chúng tôi được biết, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã giao cho Tổng cục Du lịch trình phương án mở lại thị trường khách du lịch quốc tế trong thời gian sớm nhất để trình Chính phủ. Sở Du lịch TPHCM cũng như các doanh nghiệp du lịch hy vọng với những giải pháp thiết thực nhất, thị trường khách du lịch quốc tế sẽ khởi động trong thời gian tới góp phần khôi phục ngành Du lịch Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng” - lãnh đạo Sở Du lịch cho biết.
Theo ông Đặng Thanh Tùng - GĐ Cty CP Du lịch Tân Thế giới (New World Travel) nhìn nhận, đại dịch COVID-19 làm khủng hoảng ở nhiều lĩnh vực nói chung và ngành Du lịch nói riêng. Với tấm hộ chiếu Vaccine sẽ giúp các giao dịch thương mại, công tác… sẽ trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn trong thời gian tới.
“Từ khi có thông tin về hộ chiếu vaccine, chúng tôi thấy đây rõ ràng là một tia sáng hy vọng tràn đầy cho ngành Du lịch đang đứng trước bờ vực thẳm. Nếu Chính phủ cho phép hộ chiếu Vaccine được áp dụng thực hiện mở rộng sớm và mạnh mẽ thì có thể xem là một tín hiệu vui, hứa hẹn sớm vực lại ngành Du lịch hiện vẫn đang đóng băng”, ông Đặng Thanh Tùng nói và nhấn mạnh, mối quan tâm hiện nay là hộ chiếu vaccine chỉ tạo điều kiện cho thiểu số được tiêm chủng để đi nước ngoài chứ chưa đồng bộ hóa. “Một điều mà tôi vẫn cảm thấy lo ngại, đó là phải chăng còn quá sớm để áp dụng đồng bộ hộ chiếu này, bởi hiệu quả của vaccine COVID-19 vẫn còn phải chờ kiểm chứng”.
Đối với vấn đề này, ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam - thận trọng chia sẻ, mọi phương án cần phải được bàn thảo kỹ lưỡng, đồng thời sẽ chỉ thực hiện khi mọi thứ đã chuẩn bị chắc chắn, không vội vàng mà phải đúng thời điểm. Ngoài ra, cần có sự đồng lòng phối hợp từ các ban ngành mới giúp Du lịch Việt Nam trở lại mạnh mẽ hơn vì “nếu chúng ta không tự làm sẽ chẳng có ai làm thay cả…”.
Cần nghiên cứu kỹ, lưu ý đến các rủi ro
Nói về vấn đề “hộ chiếu vaccine”, PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế - cũng cho biết, trong số những trường hợp nhập cảnh về Việt Nam gần đây, có người đã có “hộ chiếu vaccine”. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có thay đổi trong các biện pháp phòng, chống dịch cũng như cách ly người nhập cảnh có “hộ chiếu vaccine”. Đây là vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu.
Với các bệnh truyền nhiễm, việc có vaccine là biện pháp hiệu quả nhất để phòng chống bệnh. Trước đây, để phòng chống bệnh truyền nhiễm, các nước cũng đã áp dụng việc chứng nhận việc tiêm vaccine khi đi lại như với dịch tả, dịch hạch, bệnh sốt vàng (chỉ lưu hành ở Châu Phi, lây qua muỗi đốt lây cho người ở Châu Phi và người khác đến Châu Phi)…
Theo ông Phu, tương tự với vaccine phòng COVID-19, việc có “hộ chiếu vaccine” cũng có những điểm lợi. Một người được tiêm vaccine, nếu thực sự có miễn dịch thì khi sang nước khác không bị lây bệnh và cũng không làm lây truyền bệnh. Như vậy sẽ giải tỏa được khó khăn cho ngành Du lịch, hàng không, đi lại, phát triển kinh tế...
Tuy nhiên Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng cho rằng, khi nghiên cứu áp dụng “hộ chiếu vaccine” cũng cần phải lưu ý đến các rủi ro. Đầu tiên là, trước đây để nghiên cứu ra một vaccine cần 4-5 năm, thậm chí 10 năm; trong khi đó vaccine COVID-19 được nghiên cứu, cấp phép trong điều kiện khẩn cấp.
“Vì thế, có thể có một số vấn đề chúng ta chưa biết hết được như các vaccine khác nhau, hiệu lực bảo vệ khác nhau. Có vaccine chưa biết được giảm lây nhiễm như thế nào mà chỉ giảm mức độ nặng của bệnh, giảm triệu chứng; cũng chưa biết kháng thể bảo vệ tồn tại trong cơ thể bao lâu. Thêm nữa, virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi nên phải đặt vấn đề liệu vaccine có thể không hiệu quả hoặc ít hiệu quả với các biến chủng mới. Bên cạnh đó, không loại trừ trường hợp có “hộ chiếu vaccine” giả” - ông Phu đặt vấn đề.
Vì thế, theo vị chuyên gia này, mỗi quốc gia căn cứ vào đánh giá rủi ro, lợi ích, hợp tác giữa các bên… để có thể có hình thức áp dụng phù hợp. Ông đưa ra ví dụ có thể kết hợp “hộ chiếu vaccine” với xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính để giảm thời gian cách ly…
Cũng theo chuyên gia tại Việt Nam dù tỉ lệ tiêm vaccine COVID-19 chưa được như nhiều nước nhưng chúng ta đang áp dụng các biện pháp chống dịch hiệu quả. Vì thế, dù tiêm vaccine vẫn cần áp dụng tốt các biện pháp dự phòng dịch, cụ thể là áp dụng 5K theo khuyến cáo của ngành Y tế.
Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi các nước cần phải thận trọng, yêu cầu các nhà chức trách và các nhà điều hành du lịch không đưa ra bằng chứng về việc tiêm chủng như một điều kiện để đi du lịch quốc tế. Lý do được đưa ra là vì hiệu quả của vaccine trong việc ngăn ngừa lây truyền chưa rõ ràng và nguồn cung cấp vaccine toàn cầu còn hạn chế.
Nguồn: Báo Lao động
CÔNG TY TNHH HPT CONSULTING
Tầng 04 Tòa nhà EVN, Số 145 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Khuê Trung, Cẩm Lệ, Tp. Đà Nẵng
Liên hệ : 0935.434.068 - 0935.068.683 - 0935.564.068
- Việt Kiều có thể mua nhà trong nước thuận lợi hơn (29.01.2024)
- Các tiêu chí dán nhãn sinh thái Việt Nam cho sản phẩm bao bì nhựa thân thiện với môi trường (11.11.2023)
- 04 Nội dung liên quan đến ngày nghỉ lễ quốc khánh 2/9 mà người lao động cần biết (29.08.2023)
- Rút BHXH một lần: Chính phủ đưa 2 phương án (19.08.2023)
- Danh sách các cửa khẩu người lao động nước ngoài có thể xuất nhập cảnh vào Việt Nam bằng thị thực điện tử (17.08.2023)
- Tăng mức lương hưu được nhận từ tháng 08/2023 (29.07.2023)
- Thời hạn thị thực điện tử được nâng lên 03 tháng có hiệu lực từ ngày 15/08/2023 (24.07.2023)
- Đến năm 2025, khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH (18.07.2023)
- 8 trường hợp sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe từ ngày 15/08 (18.07.2023)
- Bảo hiểm hưu trí có được rút trước thời hạn hay không? (07.07.2023)