Quan hệ hôn nhân có vai trò quan trọng trong việc xác định chế độ tài sản của vợ chồng và là cơ sở để Tòa án ra phán quyết khi các bên có tranh chấp về quan hệ hôn nhân (ly hôn, hủy kết hôn trái pháp luật hay không công nhận quan hệ vợ chồng) hoặc để xác định quan hệ pháp luật tranh chấp thuộc khoản 1 Điều 28 BLTTDS 2015 (ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn) hay thuộc khoản 7 điều 28 BLLTDS 2015 (tranh chấp về nuôi con, chia tài sản của nam, nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn hoặc khi hủy hôn trái pháp luật). Do đó, việc đánh giá tính hợp pháp của quan hệ hôn nhân ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tư vấn cũng như các trình tự, thủ tục và phương hướng giải quyết vụ việc liên quan đến hôn nhân và gia đình của luật sư khi tư vấn cho khách hàng.
Về nguyên tắc, quan hệ hôn nhân hợp pháp được xác lập khi hai bên nam, nữ tuân thủ các quy định của pháp luật về việc kết hôn và đăng ký kết hôn. Mặc dù, đăng ký kết hôn là thủ tục công nhận giá trị pháp lý của việc kết hôn nhưng thực tế, do tác động của điều kiện lịch sử trong thời gian dài đất nước có chiến tranh, do ảnh hưởng của phong tục, tập quán… nên có rất nhiều trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn, hoặc vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng nhưng pháp luật vẫn công nhận là hôn nhân hợp pháp, hôn nhân thực tế như một hiện tượng xã hội mang tính lịch sử và khách quan trong những điều kiện cụ thể. Do đó, để xác định được quan hệ hôn nhân hợp pháp, luật sư phải xác định được các vấn đề sau:
Trường hợp các bên có đăng ký kết hôn:
Hôn nhân hợp pháp được pháp luật xác định bằng sự kiện kết hôn theo pháp luật giữa một người nam và một người nữ khi đủ điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Việc kiểm tra các điều kiện về kết hôn khi làm thủ tục đăng ký kết hôn thuộc thẩm quyền của UBND xã, phường nơi cư trú của bên nam hoặc nữ thực hiện việc đăng ký kết hôn (đối với công dân Việt Nam cư trú trong nước) và UBND cấp huyện/ quận (đối với kết hôn có yếu tố nước ngoài). Trên cơ sở hồ sơ đăng ký kết hôn hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn theo quy định. Việc kết hôn giữa các bên sẽ được ghi vào Sổ đăng ký kết hôn và Giấy chứng nhận kết hôn. Như vậy, để tìm chứng cứ chứng minh cho quan hệ hôn nhân hợp pháp luật sư có thể thu thập theo cách đề nghị khách hàng cung cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn hoặc xin trích lục Sổ đăng ký kết hôn tại nơi đăng ký kết hôn (trong trường hợp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn bị thất lạc). Nếu vì những lý do khác nhau mà luật sư không thu thập được thì có thể đề xuất Tòa án thu thập chứng cứ.
Trường hợp các bên không có giấy chứng nhận đăng ký kết hôn:
Trong trường hợp ngoại lệ, các bên mặc dù không có đăng ký kết hôn nhưng vẫn được pháp luật công nhận là hôn nhân hợp pháp. Đối với trường hợp này, luật sư phải xem xét trong từng trường hợp cụ thể, các “điều kiện” Nhà nước quy định để công nhận hôn nhân hợp pháp đó là điều kiện gì, từ đó định hướng thu thập chứng cứ cho phù hợp. Cụ thể:
- Quan hệ hôn nhân vi phạm chế độ “một vợ, một chồng” vẫn có thể công nhận là quan hệ hôn nhân hợp pháp nếu: Các quan hệ hôn nhân ở miền Bắc xác lập trước thời điểm ngày 13.01.1960 (thời điểm Luật hôn nhân gia đình 1959 chưa có hiệu lực), quan hệ hôn nhân ở miền Nam xác lập trước ngày 25.03.1977 (ngày Hội đồng chính phủ ban hành Nghị quyết số 76-CP hướng dẫn thi hành và xây dựng pháp luật thống nhất cho cả nước, trong đó có Đạo luật số 13 về Hôn nhân và gia đình); các trường hợp công nhận hợp pháp theo Thông tư 60/TATC ngày 22.02.1978 của TANDTC hướng dẫn giải quyết các việc tranh chấp về Hôn nhân và gia đình của cán bộ, bộ đội ở miền Nam, tập kết ra Bắc lấy vợ, lấy chồng khác. Như vậy, trong trường hợp này luật sư cần thu thập các tình tiết, sự kiện liên quan đến thời điểm chung sống (chung sống như vợ chồng vào thời điểm nào), địa điểm chung sống (miền Nam hay miền Bắc), điều kiện thực tế tại thời điểm kết hôn… để áp dụng văn bản quy phạm pháp luật theo hiệu lực không gian và thời gian cho phù hợp.
- Trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn chỉ được coi là quan hệ hôn nhân hợp pháp nếu bảo đảm được các điều kiện công nhận là vợ chồng được pháp luật quy định. Cụ thể phải thỏa mãn các điều kiện sau:
Thứ nhất, các bên đủ độ tuổi kết hôn, ý chí tự nguyện, không vi phạm các điều kiện kết hôn của Luật hôn nhân và gia đình tại thời điểm kết hôn.
Thứ hai, thời điểm chung sống xảy ra trước ngày Luật hôn nhân và gia đình 2000 có hiệu lực theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09.06.2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật hôn nhân và gia đình. Cụ thể:
+ Quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03.01.1987 (ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực) nhà nước khuyến khích đăng ký kết hôn. Nếu nam nữ sống chung với nhau như vơ chồng vào thời điểm này thì được coi là hôn nhân hợp pháp, thời kỳ hôn nhân hợp pháp được xác định vào thời điểm họ sống chung với nhau;
+ Quan hệ nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03.01.1987 đến ngày 01.01.2001 mà có đủ điều kiện kết hôn thì pháp luật đã cho họ thời gian là 02 năm (từ ngày 01.01.2001 đến 01.01.2003) để đăng ký kết hôn. Trong thời hạn là 02 năm nếu họ đi đăng ký kết hôn đúng hạn, đúng quy định thì thời kỳ hôn nhân hợp pháp được tính từ thời điểm xác lập quan hệ vợ chồng (điểm b khoản 3 Nghị quyết 35/2000/QH10, Điều 7 Nghị định số 77/2001/ND-CP). Sau thời hạn luật định, họ mới đăng ký kết hôn thì quan hệ hôn nhân hợp pháp tính từ thời điểm đăng ký kết hôn. Trường hợp họ không đi đăng ký kết hôn thì không được xem là quan hệ hôn nhân hợp pháp.
+ Quan hệ nam nữ sống chung với nhau từ sau ngày 1.1.2001 phải đăng ký kết hôn mới đủ điều kiện công nhận là quan hệ hôn nhân hợp pháp.
Như vậy khi đánh giá, chứng minh quan hệ hôn nhân của họ trong trường hợp này, Luật sư cần làm rõ sự kiện thực tế để xác định thời điểm bắt đầu chung sống với họ. Thời điểm nam và nữ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng là ngày họ tổ chức lễ cưới theo phong tục tập quán, hoặc ngày họ về sống chung với nhau được gia đình hai bên chấp thuận, hoặc ngày họ về chung sống với nhau được người khác tổ chức chứng kiến hoặc ngày cả hai bên thừa nhận bắt đầu chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình. Tùy từng trường hợp cụ thể mà Luật sư mô tả lại các sự kiện thực tế để xác định thời điểm họ chung sống với nhau như vợ chồng là từ khi nào. Cùng với sự kiện thực tế đó, đối chiếu với quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn, từ đó chứng minh quan hệ hôn nhân đó có được pháp luật thừa nhận hợp pháp hay không?
- Trường hợp người bị Tòa án tuyên bố là đã chết, sau khi quyết định tuyên bố của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì vợ hoặc chồng của người đó có quyền kết hôn với người khác. Nếu người bị tuyên bố là đã chết quay về, Tòa án ra quyết định hủy tuyên bố chết mà vợ/ chồng chưa kết hôn với người khác thì quan hệ hôn nhân sẽ được khôi phục. Trong trường hợp vợ/chồng đã kết hôn với người khác thì để chứng minh quan hệ hôn nhân sau là hợp pháp luật sư phải tìm căn cứ chứng minh được thời điểm kết hôn là sau thời điểm Tòa án ra quyết định tuyên bố người chồng/ vợ của họ đã chết có hiệu lực pháp luật.
- Trường hợp hôn nhân vi phạm điều kiện kết hôn, nhưng trong một số trường hợp ngoại lệ, nếu xảy ra một sự kiện pháp lý nhất định, căn cứ vào sự kiện này để xác định việc chuyển hóa quan hệ hôn nhân từ hôn nhân trái pháp luật sang quan hệ hôn nhân hợp pháp. Luật sư cần thu thập chứng cứ để chứng minh cho việc chuyển hóa quan hệ hôn nhân từ trái pháp luật sang quan hệ hôn nhân hợp pháp theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TNDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hôn nhân và gia đình 2014.
Như vậy để xác định được quan hệ hôn nhân hợp pháp, về cơ bản luật sư phải xác định được 03 yếu tố chính như sau:
- Thời điểm nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng (hoặc thời điểm vợ chồng đăng ký kết hôn ) và tại thời điểm khởi kiện có chung sống với nhau như vợ chồng hay không ?
- Các điều kiện xác định hôn nhân hợp pháp như điều kiện kết hôn, thủ tục kết hôn được quy định trong các văn bản pháp luật Hôn nhân và gia đình có hiệu lực tại thời điểm đăng ký kết hôn, các trường hợp công nhận quan hệ hôn nhân hợp pháp dù vi phạm một trong các điều kiện kết hôn;
- Xác định các tài liệu, chứng cứ ban đầu chứng minh cho nội dung (Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, xác nhận họ hàng, cơ quan đoàn thể…)
CÔNG TY TNHH HPT CONSULTING
Tầng 04 Tòa nhà EVN, Số 145 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Khuê Trung, Cẩm Lệ, Tp. Đà Nẵng
Liên hệ : 0935.434.068 - 0935.068.683 - 0935.564.068
- Quy định mới về giải quyết tài chính đất đai trong luật đất đai 2024 (09.04.2024)
- Thay đổi về thu nhập chịu thuế khi tính thuế TNCN từ chuyển nhượng Bất động sản mới nhất (11.03.2024)
- Chưa ly hôn nhưng chung sống như vợ chồng hoặc kết hôn với người khác thì mức phạt như thế nào? (11.03.2024)
- 8 điểm nổi bật của luật đất đai 2024 (26.02.2024)
- Thủ tục nhận lại phương tiện giao thông bị tạm giữ do vi phạm nồng độ cồn (26.02.2024)
- Những điểm mới của Luật căn cước công dân (26.02.2024)
- Nguyên tắc phân chia tài sản khi ly hôn (23.11.2023)
- Chồng trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn có thể bị phạt tù đến 2 năm (23.11.2023)
- Trình tự, thủ tục xin trích lục bản đồ địa chính mới nhất (03.11.2023)
- Mất giấy chứng nhận đăng ký kết hôn thì có làm thủ tục ly hôn được không? (30.09.2023)