Hiện nay, các doanh nghiệp ngày càng phát triển mạnh mẽ không chỉ ở thị trường trong nước mà còn tiến ra thị trường nước ngoài. Do đó, việc giao kết hợp đồng với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, có một điều là các quốc gia khác nhau thì có đồng tiền khác nhau. Câu hỏi đặt ra là tại Việt Nam, các doanh nghiệp có được ký kết hợp đồng thỏa thuận thanh toán bằng ngoại tệ hay không, do các doanh nghiệp Việt Nam sẽ sợ bị mất giá khi thỏa thuận theo đồng tiền Việt Nam.
1. Ngoại hối là gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Pháp lệnh ngoại hối năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2013), Ngoại hối bao gồm:
- Đồng tiền của quốc gia khác hoặc đồng tiền chung châu Âu và đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực (sau đây gọi là ngoại tệ);
- Phương tiện thanh toán bằng ngoại tệ, gồm séc, thẻ thanh toán, hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ và các phương tiện thanh toán khác;
- Các loại giấy tờ có giá bằng ngoại tệ, gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu và các loại giấy tờ có giá khác;
- Vàng thuộc dự trữ ngoại hối nhà nước, trên tài khoản ở nước ngoài của người cư trú; vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng trong trường hợp mang vào và mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam;
- Đồng tiền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp chuyển vào và chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc được sử dụng trong thanh toán quốc tế.
2. Các trường hợp được thanh toán bằng ngoại tệ
Theo Điều 4 Thông tư số 32/2013/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung năm 2015), sẽ có 17 trường hợp sau đây được sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam, với những điều kiện cụ thể của từng đối tượng.
1. Cơ quan hải quan, công an, bộ đội biên phòng và các cơ quan Nhà nước khác tại các cửa khẩu của Việt Nam và kho ngoại quan được niêm yết bằng ngoại tệ và thu bằng ngoại tệ chuyển khoản hoặc tiền mặt từ người không cư trú đối với các loại thuế, phí thị thực xuất nhập cảnh, phí cung ứng dịch vụ và các loại phí, lệ phí khác theo quy định của pháp luật.
2. Ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối (sau đây gọi tắt là tổ chức tín dụng được phép) được giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận bằng ngoại hối trong phạm vi kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép thực hiện theo quy định của pháp luật.
3. Tổ chức khác được phép cung ứng dịch vụ ngoại hối được giao dịch và niêm yết bằng ngoại tệ trong phạm vi cung ứng dịch vụ ngoại hối đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép thực hiện theo quy định của pháp luật.
4. Người cư trú là tổ chức có tư cách pháp nhân được điều chuyển vốn nội bộ bằng ngoại tệ chuyển khoản giữa tài khoản của tổ chức đó với tài khoản của đơn vị phụ thuộc không có tư cách pháp nhân và ngược lại.
5. Người cư trú được góp vốn bằng ngoại tệ chuyển khoản để thực hiện dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
6. Người cư trú thực hiện hợp đồng ủy thác nhập khẩu, xuất khẩu theo quy định sau:
a) Người cư trú nhận ủy thác nhập khẩu được ghi giá trong hợp đồng ủy thác nhập khẩu bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản đối với giá trị hợp đồng nhập khẩu từ bên ủy thác nhập khẩu;
b) Người cư trú nhận ủy thác xuất khẩu được ghi giá trong hợp đồng ủy thác xuất khẩu bằng ngoại tệ và thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản đối với giá trị hợp đồng xuất khẩu cho bên ủy thác xuất khẩu.
7. Người cư trú là nhà thầu trong nước, nhà thầu nước ngoài thực hiện theo quy định sau:
a) Đối với chi phí ngoài nước liên quan đến việc thực hiện gói thầu thông qua đấu thầu quốc tế theo quy định tại Luật Đấu thầu: nhà thầu được chào thầu bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản từ chủ đầu tư, nhà thầu chính để thanh toán, chi trả và chuyển ra nước ngoài.
b) Đối với việc thực hiện gói thầu theo quy định của pháp luật về dầu khí: nhà thầu được chào thầu bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản từ chủ đầu tư, nhà thầu chính để thanh toán, chi trả và chuyển ra nước ngoài.
8. Người cư trú là doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện theo quy định sau:
a) Được báo giá, định giá, ghi giá dịch vụ bảo hiểm trong hợp đồng bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản từ bên mua bảo hiểm đối với hàng hóa, dịch vụ phải mua tái bảo hiểm ở nước ngoài;
b) Trường hợp phát sinh tổn thất đối với phần tái bảo hiểm ra nước ngoài, người cư trú là tổ chức mua bảo hiểm được nhận số tiền bồi thường bằng ngoại tệ chuyển khoản từ công ty tái bảo hiểm nước ngoài thông qua doanh nghiệp bảo hiểm để thanh toán các chi phí khắc phục tổn thất ở nước ngoài.
9. Người cư trú là tổ chức kinh doanh hàng miễn thuế được niêm yết giá hàng hóa bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản hoặc tiền mặt từ việc cung cấp hàng hóa. Ngoại tệ sử dụng trong giao dịch tại cửa hàng miễn thuế thực hiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bán hàng miễn thuế.
10. Người cư trú là tổ chức cung ứng dịch vụ ở khu cách ly tại các cửa khẩu quốc tế, tổ chức kinh doanh kho ngoại quan được niêm yết, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản hoặc tiền mặt từ việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ.
11. Người cư trú là tổ chức làm đại lý cho hãng vận tải nước ngoài trên cơ sở hợp đồng đại lý ký kết giữa hai bên thực hiện theo quy định sau:
a) Được thay mặt cho hãng vận tải nước ngoài báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng bằng ngoại tệ đối với cước phí vận tải hàng hóa quốc tế. Việc thanh toán phải thực hiện bằng đồng Việt Nam;
b) Được chi hộ bằng ngoại tệ chuyển khoản để thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ tại cảng biển quốc tế, khu cách ly tại sân bay quốc tế;
c) Được chi hộ bằng ngoại tệ tiền mặt để trả lương, thưởng, phụ cấp cho người không cư trú do hãng tàu biển nước ngoài ủy quyền.
12. Người cư trú là doanh nghiệp chế xuất thực hiện theo quy định sau:
a) Được ghi giá trong hợp đồng bằng ngoại tệ và thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản khi mua hàng hóa từ thị trường nội địa để sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp hàng xuất khẩu hoặc để xuất khẩu, trừ hàng hóa thuộc diện cấm xuất khẩu. Doanh nghiệp trong nước được báo giá, định giá bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản khi bán hàng hóa cho doanh nghiệp chế xuất;
b) Được báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng bằng ngoại tệ và thanh toán, nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản với doanh nghiệp chế xuất khác.
13. Người cư trú là tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực vận chuyển hàng không, khách sạn, du lịch được niêm yết, quảng cáo giá hàng hóa, dịch vụ bằng Đồng Việt Nam và ngoại tệ tương đương trên trang tin điện tử, ấn phẩm chuyên ngành (không bao gồm thực đơn và bảng giá dịch vụ) chỉ sử dụng tiếng nước ngoài.
14. Người cư trú, người không cư trú là tổ chức được thỏa thuận và trả lương, thưởng, phụ cấp trong hợp đồng lao động bằng ngoại tệ chuyển khoản hoặc tiền mặt cho người không cư trú và người cư trú là người nước ngoài làm việc cho chính tổ chức đó.
15. Người không cư trú là cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự được niêm yết bằng ngoại tệ và thu phí thị thực xuất nhập cảnh, các loại phí, lệ phí khác bằng ngoại tệ chuyển khoản hoặc tiền mặt.
16. Người không cư trú thực hiện theo quy định sau:
a) Được chuyển khoản bằng ngoại tệ cho người không cư trú khác;
b) Được ghi giá trong hợp đồng bằng ngoại tệ và thanh toán tiền xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ chuyển khoản cho người cư trú. Người cư trú được báo giá, định giá bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người không cư trú.
17. Đối với các trường hợp liên quan đến an ninh, quốc phòng, dầu khí và các trường hợp cần thiết khác, tổ chức được phép sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, chấp thuận bằng văn bản căn cứ vào tình hình thực tế và tính chất cần thiết của từng trường hợp theo hồ sơ, trình tự, thủ tục quy định.
Việc sử dụng ngoại tệ tại vùng biên giới, là trường hợp đặc biệt. Điều 26 Pháp lệnh ngoại hối quy định về sử dụng đồng tiền của nước có chung biên giới với Việt Nam như sau: Việc sử dụng đồng tiền của nước có chung biên giới với Việt Nam thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Căn cứ quy định này, theo Thông tư 19/2018/TT-NHNN ngày 28/8/2018 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc (có hiệu lực từ ngày 12/10/2018), đồng tiền thanh toán trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc của thương nhân là ngoại tệ tự do chuyển đổi, VND hoặc CNY.
3. Các trường hợp hạn chế thanh toán bằng ngoại tệ
Trừ các trường hợp được sử dụng ngoại hối đã nếu ở trên, mọi giao dịch bao gồm thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác (bao gồm cả quy đổi hoặc điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ, giá trị của hợp đồng, thỏa thuận) của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối.
Mặt khác, như đã đề cập trên ngoại tệ nằm trong ngoại hối, nên khi sử dụng ngoại tệ cũng phải tuân thủ theo nguyên tắc của ngoại hối.
Như vậy, chỉ có những giao dịch được pháp luật cho phép sử dụng ngoại hối mới được sử dụng ngoại hối tại Việt Nam.
4. Hợp đồng thỏa thuận thanh toán bằng ngoại tệ
Về vấn đề thỏa thuận thanh toán bằng ngoại tệ trong hợp đồng, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đưa ra 2 hướng:
Hướng thứ nhất: Nếu trong nội dung của hợp đồng kinh tế các bên có thoả thuận thanh toán bằng ngoại tệ trong khi đó một hoặc các bên không được phép thanh toán bằng ngoại tệ, thì hợp đồng kinh tế bị coi là vô hiệu toàn bộ. Trong trường hợp này nếu một hoặc các bên có yêu cầu Toà án giải quyết thì Toà án tuyên bố hợp đồng vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu theo thủ tục chung;
Hướng thứ hai: Nếu trong nội dung của hợp đồng kinh tế các bên có thoả thuận thanh toán bằng ngoại tệ trong khi đó một hoặc các bên không được phép thanh toán bằng ngoại tệ, nhưng sau đó các bên có thoả thuận thanh toán bằng Đồng Việt Nam thì không bị coi là vô hiệu toàn bộ.
Như vậy, nếu hai bên ký kết hợp đồng thỏa thuận thanh toán bằng ngoại tệ mà một bên hoặc các bên không thuộc trường hợp được phép thanh toán bằng ngoại tệ quy định tại Thông tư 32/2013/TT-NHNN, thì hợp đồng đó sẽ bị vô hiệu toàn bộ.
Tuy nhiên, nếu 2 bên ký kết hợp đồng thỏa thuận thanh toán bằng ngoại tệ mà một bên hoặc các bên không thuộc trường hợp được phép thanh toán bằng ngoại tệ quy định tại Thông tư 32/2015/TT-NHNN, nhưng sau đó hai bên lại thanh toán bằng đồng Việt Nam thì Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không coi hợp đồng đó là vô hiệu.
Do đó, khi doanh nghiệp ký kết hợp đồng nên cân nhắc thỏa thuận thanh toán bằng ngoại tệ hay đồng Việt Nam, nếu thỏa thuận trong hợp đồng thanh toán bằng ngoại tệ thì sau đó hai bên nên thanh toán bằng ngoại tệ để tránh hợp đồng bị vô hiệu toàn bộ.
5. Các chế tài khi vi phạm việc sử dụng ngoại tệ
Khi tham gia ký kết hợp đồng dân sự, kinh tế chỉ khi thuộc các trường hợp được pháp luật cho phép thanh toán bằng ngoại tệ, thì các bên mới được sử dụng ngoại tệ để thực hiện việc giao dịch. Trường hợp các bên cố tình phớt lờ quy định trên thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 200.000.000 đồng 250.000.000 đồng đối với hành vi thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ không đúng quy định pháp luật hoặc giao dịch, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận, niêm yết, quảng cáo giá hàng hóa, dịch vụ, quyền sử dụng đất bằng ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật theo quy định tại Khoản 6 Điều 24 Nghị định 94/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Điều 24 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP cũng quy định khá chi tiết về các mức phạt liên quan đến hành vi vi phạm Quy định về hoạt động ngoại hối. Chi tiết liên hệ tư vấn tại HPT Consulting.
6. Vụ án thực tế cụ thể về ký kết hợp đồng giao dịch ngoại tệ
Vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá giữa nguyên đơn là Công ty Hà Thanh – Bộ Quốc Phòng và Bị đơn Công ty Cổ phần Thép Thiên An theo Quyết định giám đốc thẩm số 70/2014/KDTM-GĐT ngày 29/7/2014 của Toà án kinh tế Toà án nhân dân tối cao.
Theo vụ án, Công ty Hà Thanh – Bộ Quốc Phòng và Công ty Cổ phần Thép Thiên An ký hợp đồng kinh tế về việc mua bán 816,97 tấn (+/- 10%) thép cán nóng, dạng cuộn, xuất xứ Nhật Bản, tổng trị giá hợp đồng là 7.422.000.000 đồng. Biên bản nhận nợ ngày 08/01/2010 được ký kết sau Hợp đồng kinh tế 03 09/HT-PT ngày 11/11/2009 và trước khi các bên giao nhận hàng (ngày 12/01/2010). Tại Khoản 1.1 Điều 1 Hợp đồng số 03-09 ngày 11/11/2009 quy định thì tổng trị giá lô hàng là 7.422.000.000 đồng (+/-10%), tỷ giá tạm tính 1 USD = 18.500 đồng, “giá trên là giá tạm tính”, nên sau đó vào ngày 08/01/2010, các bên ký Biên bản nhận nợ xác định lại trị giá lô hàng. Toà án kinh tế Toà án nhân dân tối cao nhận định, mặc dù Biên bản có tiêu đề là nhận nợ nhưng thực chất là thỏa thuận mới của các bên về giá trị hợp đồng, các khoản thuế, phí đều được thỏa thuận tính bằng đồng đô la Mỹ làm đồng tiền định giá (để bảo đảm ổn định giá trị của hợp đồng) nhưng việc thanh toán là đồng tiền Việt Nam được quy đổi theo tỷ giá bán ra thực tế của Ngân hàng TMCP Nhà HN… tại từng thời điểm thanh toán. Trên thực tế, Bị đơn Công ty Thiên An cũng thanh toán cho Nguyên đơn Công ty Hà Thanh bằng tiền đồng Việt Nam thông qua chuyển khoản tại Ngân hàng TMCP Nhà HN, chi nhánh cầu Giấy nên thỏa thuận của các bên không bị coi là vô hiệu và cũng không vi phạm Pháp lệnh về quản lý ngoại hối. Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng Biên bản nhận nợ vô hiệu do các bên thỏa thuận giá trị hợp đồng bằng ngoại tệ, từ đó không căn cứ vào Biên bản nhận nợ để giải quyết vụ án là không đúng. Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng Biên bản nhận nợ không vô hiệu là có căn cứ.
Như vậy, trong trường hợp này, yếu tố thanh toán bằng Đồng Việt Nam rất quan trọng, ảnh hưởng đến hiệu lực toàn bộ của cả hợp đồng. Nếu trong nội dung của hợp đồng các bên có thoả thuận giá cả, thanh toán bằng ngoại tệ trong khi đó một hoặc các bên không được phép thanh toán bằng ngoại tệ, nhưng sau đó thực tế các bên đã thanh toán cho nhau bằng Đồng Việt Nam thì không bị coi là vô hiệu.
Trên đây là vụ án cụ thể về ký kết hợp đồng thanh toán bằng ngoại tệ trong trường hợp nếu trong nội dung của hợp đồng các bên có thoả thuận giá cả, thanh toán bằng ngoại tệ trong khi đó một hoặc các bên không được phép thanh toán bằng ngoại tệ, nhưng thực tế các bên đã thanh toán cho nhau bằng Đồng Việt Nam thì không bị coi là vô hiệu.
Đối với trường hợp nếu trong nội dung của hợp đồng kinh tế các bên có thoả thuận thanh toán bằng ngoại tệ trong khi đó một hoặc các bên không được phép thanh toán bằng ngoại tệ, thì hợp đồng kinh tế bị coi là vô hiệu toàn bộ, có vụ án cụ thể như sau:
Bản án số 2100/2007/KDTM-ST ngày 22/11/2007 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về việc Tranh chấp nhận cung cấp và lắp đặt thang máy.
Theo nội dung vụ án thì Nguyên đơn là Công ty TNHH Công nghiệp Nam Tiến ký kết Hợp đồng kinh tế số 701/WESTERN nhận cung cấp và lắp đặt thang máy cho Bị đơn là Công ty TNHH Việt Phát tại Công trình Khách sạn Việt Phát. Nguyên đơn Công ty Nam Tiến đã lắp đặt xong nhưng Bị đơn chưa thanh toán đủ, còn nợ lại 157.600.000 đồng. Ngày 12/9/2005, Công ty TNHH Công nghiệp Nam Tiến ký tiếp Hợp đồng kinh tế số 703/WESTERN nhận cung cấp và lắp đặt 2 tháng máy cho Bị đơn Công ty TNHH Việt Phát tại công trình toà nhà văn phòng Việt Phát. Nguyên đơn nhận của Bị đơn 21.000USD (tương đương 333.900.000 đồng) tiền cọc nhưng chưa thực hiện việc lắp đặt thang máy vì Bị đơn làm áp lực, hăm doạ khiến Nguyên đơn không thể chuyển tiền thêm ra nước ngoài để nhập hàng. Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu thanh lý 02 hợp đồng, buộc Bị đơn thanh toán số tiền con nợ của Hợp đồng số 701. Công ty Công nghiệp Nam Tiến đồng ý trả lại cho Công ty Việt Phát số tiền cọc đã nhận của Hợp đồng số 703.
Theo quy định của pháp luật, nhận định được đưa ra như sau:
Về yêu cầu trả tiền phạt cọc 21.000 USD: Do các bên thỏa thuận trong hợp đồng phương thức thanh toán bằng đô la Mỹ và thực tế cũng thanh toán trực tiếp với nhau bằng đô la Mỹ không qua ngân hàng được phép hoạt động ngoại hối (căn cứ vào Phiếu thu ngày 12/9/2005 do nguyên đơn xuất trình) là vi phạm điều cấm của pháp luật (Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 63/1998/NĐ-CP ngày 17/8/1998 của Chính phủ về quản lý ngoại hối) nên theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 8 Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế và hướng dẫn tại Nghị quyết số 04/2003/NQ- ĐTP ngày 27/5/2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, dù các bên có hủy bỏ hay không hủy bỏ, Hợp đồng số 703 cũng bị vô hiệu toàn bộ và phải được xử lý theo quy định tại Điều 39 Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế (hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận, thiệt hại các bên tự chịu, không có việc phạt vi phạm hợp đồng).
Vì vậy, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên:
- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn, buộc Bị đơn phải có trách nhiệm thanh toán cho Nguyên đơn số tiền mua hàng còn nợ theo Hợp đồng kinh tế số 701/WESTERN ngày 23/7/2005 giữa hai bên là 157.600.000 đồng và hủy bỏ Hợp đồng kinh tế số 703/WESTERN ngày 12/9/2005.
- Đình chỉ xét xử yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn đòi Bị đơn phải bồi thường thiệt hại 20.012.000 đồng là trị giá số đồ nghề của Nguyên đơn do Bị đơn chiếm giữ.
- Chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của Bị đơn, Nguyên đơn phải có trách nhiệm hoàn trả cho Bị đơn số tiền cọc đã nhận theo Hợp đồng kinh tế số 703/WESTERN ngày 12/9/2005 là 337.197.000 đồng.
- Không chấp nhận yêu cầu phản tố của Bị đơn đòi Nguyên đơn phải trả tiền phạt tương đương 21.000 USD.
Doanh nghiệp có được ký kết hợp đồng bằng ngoại tệ, doanh nghiep co duoc ky ket hop dong bang ngoai te
CÔNG TY TNHH HPT CONSULTING
Tầng 04 Tòa nhà EVN, Số 145 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Khuê Trung, Cẩm Lệ, Tp. Đà Nẵng
Liên hệ : 0935.434.068 - 0935.068.683 - 0935.564.068
- Chưa đăng ký hồ sơ thương nhân thì có được cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa không? (19.03.2024)
- Trình tự, thủ tục chấm dứt dự án đầu tư tại Việt Nam (26.02.2024)
- Doanh nghiệp nợ bảo hiểm, thẻ BHYT có còn hiệu lực không? (13.10.2023)
- Quy định về mức hưởng chế độ tai nạn lao động năm 2023 (29.07.2023)
- Người lao động phải làm gì khi doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội? (29.07.2023)
- Điều kiện thành lập trung tâm ngoại ngữ có vốn đầu tư nước ngoài (22.07.2023)
- Tranh chấp lao động và nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động (20.07.2023)
- Trợ cấp mất việc, điều kiện hưởng trợ cấp mất việc (20.07.2023)
- Trợ cấp thôi việc là gì? Điều kiện được hưởng trợ cấp thôi việc (20.07.2023)
- Quyền lợi, thủ tục và điều kiện được hưởng BHYT 05 năm liên tục mới nhất 2023 (30.06.2023)